Thứ hai, 29 Tháng 12 2014 13:46

Nội dung câu hỏi giao lưu trực tuyến "Luật BHYT: Những đổi mới mạnh mẽ"- Phần 1

 

Khách mời chương trình gồm:

- Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế).

- Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế.

- Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

- TS Lê Đình Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Tp.HCM.

- Ông Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống nhất Tp.HCM.

- ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nguyễn Sơn Nam

Theo quy định của Bộ Y tế “Hướng dẫn cải tiến quy trình KCB tại BV” là không được vượt quá 4 bước cơ bản: tiếp đón, khám - chẩn đoán, thanh toán viện phí, phát - lĩnh thuốc. Cùng đó, Bộ Y tế cũng quy định thời gian khám bệnh đơn thuần là 2 giờ, khám lâm sàng có thêm 1 xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) là 3 giờ, khám lâm sàng có làm thêm 3 kỹ thuật là 4 giờ. Trong khi đó thực tế hầu hết người bệnh phải chờ rất lâu để hoàn tất quá trình KCB, lĩnh thuốc. Vậy với những đổi mới về Luật BHYT, thời gian KCB của người dân có được giảm xuống hay không?

Bà Tống Thị Song Hương:

Bộ Y tế xác định đây là một vấn đề quan trọng, cần thay đổi và coi việc cải tiến quy trình KCB tạo bước đột phá, làm thay đổi bộ mặt bệnh viện và mang lại hiệu quả thiết thực đối với người bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh và thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người dân. Ngày 22/4/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện với mục đích nhằm:

1. Thống nhất quy trình khám bệnh của các bệnh viện: Quy trình giàm từ 12-14 bước trước đây xuống còn 4, 6, 7, hay 8 bước tùy theo tính chất của bệnh.

2. Hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh BHYT khi đến khám tại bệnh viện;

3. Người bệnh biết rõ quy trình để cùng phối hợp với bệnh viện trong quá trình khám bệnh. Trong đó, khám lâm sàng đơn thuần trung bình: 49,6 phút (so yêu cầu < 2 giờ), giảm 47 phút so với trước khi triển khai cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng trung bình: 89,1 phút (so yêu cầu < 3 giờ), giảm 40 phút so với trước khi triển khai cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 2 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng trung bình: 116,2 phút (so yêu cầu < 3,5 giờ), giảm 56 phút so với trước khi triển khai cải tiến; khám lâm sàng có làm thêm 03 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng trung bình: 145,3 phút (so yêu cầu < 4 giờ), giảm 52 phút so với trước khi triển khai cải tiến.Tính chung ở tất cả các loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh trung bình sau hơn 1 năm cải tiến quy trình khám bệnh đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình.

 Phan Văn Tân

Trong một ngày, bệnh nhân không được khám 2 lần với bệnh khác nhau, có phải không? (Trước đó, nhân viên y tế ở BV 115 trả lời tôi vào ngày 27/01/2014 là: "Trong một ngày, bệnh nhân không được khám 2 lần với bệnh khác nhau".)

Ông Phạm Lương Sơn:

Nếu đúng như những lời bác trình bày trong câu hỏi này thì bác sĩ BV đã hoàn toàn sai khi trả lời với người bệnh và theo tôi phải đáng lên án bởi BHYT chi trả chi phí KCB khi người bệnh đến KCB theo đúng phạm vi quyền lợi được quy định trong luật. Việc phát hiện ra bệnh là trách nhiệm của bác sĩ và Quỹ BHYT sẽ chi trả cả tiền khám, tiền thuốc, tiền dịch vụ kỹ thuật theo danh mục do Bộ Y tế quy định. Bác cũng cần hiểu rõ quyền lợi chính đáng này của mình để yêu cầu BV đảm bảo đúng quyền lợi cho mình. Khi cần bác có thể thông tin theo đường dây nóng hoặc tới cơ quan BHXH nơi gần nhất.

Ngô Thanh Phong

Xin chào ông Lương Sơn! Gia đình tôi có 6 người mà 3 người làm công nhân và đã tham gia BHYT bắt buộc, vậy thì 3 người còn lại trong gia đình là cha mẹ và em tham gia BHYT tự nguyện có được hưởng giảm gì không? Nếu được thì hồ sơ như thế nào? Mong được hướng dẫn.

Ông Phạm Lương Sơn:

Trường hợp cả 3 người còn lại trong gia đình của anh/chị đều tham gia BHYT sẽ được coi như là một hộ gia đình nếu có cùng tên trong sổ hộ khẩu và sẽ được miễn giảm mức đóng từ người thứ 2 trở đi trong 3 người còn lại theo quy định.

Nguyễn Thực

Thưa Ông Phạm Lương Sơn, tôi ghép thận ở Huế có mua thuốc chồng thải ghép Simuleet ở nhà thuốc bệnh viện. Vậy tôi có được thanh toán bảo hiểm không? (Trong bệnh viện không thanh toán, họ nói về địa phương thanh toán, địa phương nói không thanh toán được)

Ông Phạm Lương Sơn:


Theo quy định của Bộ Y tế, BV không được để bệnh nhân thiếu thuốc và tự mua thuốc. Đối với các thuốc đặc trị càng không được để bệnh nhân phải tự mua thuốc mà bệnh viện phải đấu thầu để đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh. Việc thanh toán thuốc chống thải ghép còn phụ thuộc vào 2 điều kiện. Thứ nhất, chỉ định của bác sĩ có đúng bệnh và hợp lý không. Thứ 2, thuốc có ở trong danh mục được BHYT thanh toán theo quy định của Bộ Y tế không. Nếu đạt cả 2 yêu cầu này thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí của thuốc đó theo điều kiện, tỉ lệ được quy định trong danh mục kể từ ngày 01/01/2015.

Nguyễn Thị Hoài Sang  

Xin cho biết số tiền quỹ khám bệnh BHYT kết dư trong các năm gần đây? số tiền này được sử dụng như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn:

Theo quyết định của Chính phủ toàn bộ kinh phí kết dư lũy kế từ 2010 đến 2014 sẽ được chuyển vào quỹ dự phòng KCB để đảm bảo nguồn chi trả chi phí KCB cho người tham gia BHYT, đặc biệt khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình của nghị định số 85. Từ năm 2015 đến 2020, 20% kết dư quỹ KCB BHYT của mỗi tỉnh sẽ được chuyển về địa phương sử dụng nhằm nâng cao chất lượng KCB BHYT và hỗ trợ các đối tượng chính sách tham gia BHYT.

Nguyen Van Hung

Sau khi sửa đổi, có còn tồn tại nơi KCB ban đầu trong thẻ bảo hiểm nữa không ? Có còn tồn tại việc khám đúng tuyến và trái tuyến nữa không ? Trong bệnh viện còn phân biệt khám bảo hiểm và khám thường không ? Khám bảo hiểm còn bị hạn chế về các loại xét nghiệm và các loại thuốc khi bác sĩ kê toa nữa không? "BHYT trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc, nhằm thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân" mà còn tồn tại những việc trên thì BHYT cũng chỉ là hình thức. Tham gia cũng chỉ vì đó là "bắt buộc".

Bà Tống Thị Song Hương:


- Về nguyên tắc, vẫn phải quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để làm cơ sở quản lý thẻ, theo dõi bệnh nhân, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên Luật sửa đổi lần này quy định thông thoáng hơn việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nhất là đối tượng ở cơ sở. Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện đều được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng theo mức quy định.

- Luật vẫn quy định mức thanh toán cho trường hợp KCB đúng tuyến và trái tuyến. Khi KCB đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở KCB. Riêng trường hợp KCB trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này luật không thanh toán cho KCB ngoại trú, chỉ thanh toán đối với trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến với mức hưởng theo các bệnh viện như sau:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là:

-  60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2020;

- 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là:

- 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2015;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01/01/2016.

Theo: nld.com.vn

 

BỆNH VIỆN PHỔI TỈNH HẬU GIANG
Địa chỉ: Đường 14, Khu vực 4, Phường 3, Tp. Vị Thanh, Hậu Giang
Email: bvlaobphg@gmail.com    bvlaophoihg@gmail.com
Điện thoại: 0293 3870 477