Cách Phòng Và Chữa Bệnh Lao

1.  NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH LAO LÀ GÌ?

Ngày xưa ông cha ta cho rằng: Bệnh lao là bệnh di truyền từ đời này sang đời khác, trong gia đình nếu ông bà bị bệnh lao thì đời con cháu sẽ bị mắc bệnh lao, nên con cái người mắc bệnh lao rất khó lấy vợ, gã chồng. Vì những suy nghĩ không đúng như vậy mà người mắc bệnh lao bị mọi người xa lánh và họ đã giấu bệnh.
Một số người khác lại cho rằng bệnh lao sinh ra là do “lao lực” nên đã không có cách chữa chạy đúng, bệnh ngày càng nặng và kết thúc cuộc đời bằng cái chết rất đáng tiếc.
Nhờ có kính hiển vi, người ta đã tìm được nguyên nhân gây bệnh lao là vi trùng lao. Và vì vậy bệnh lao hoàn toàn có thể chữa được.

2.  THỂ LAO NÀO DỄ GÂY BỆNH CHO MỌI NGƯỜI NHẤT ?

Lao phổi. Trong đờm của người lao phổi thường chứa nhiều vi trùng lao. Khi người lao phổi ho khạc đờm, nói to, hắt hơi vi trùng lao theo những giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra ngoài cơ thể, vi trùng lao tồn tại rất lâu ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh nắng và lưu chuyển trong không khí đi khắp mọi nơi.


3. VỊ TRÙNG LAO XÂM NHẬP VÀO CƠ THỂ BẰNG ĐƯỜNG NÀO ?

Đường hô hấp. Vi trùng lao ở trong không khí, nên khi ta hít thở, vi trùng dễ dàng xâm nhập từ không khí vào trong cơ thể qua đường hô hấp gây ra nhiễm lao.
Vị trí đầu tiên vi trùng lao cư trú trong cơ thể là ở phổi, chúng có thể gây bệnh tại đó, hoặc có thể lan tràn theo dòng máu đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể để gây bệnh.

4.   CÓ PHẢI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI HÍT PHẢI VI TRÙNG LAO (TỨC LÀ ĐÃ NHIỄM LAO) ĐỀU MẮC BỆNH LAO KHÔNG ?

Không phải. Chỉ khi sức khỏe đề kháng bị suy giảm do: lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt không đều độ, môi trường sống thiếu vệ sinh do nhiêm HIV… khi đó vi trùng lao sẽ phát triển mạnh trong cơ thể và gây bệnh. Người ta tháy chỉ khoảng 10% số người nhiễm vi trung lao có thể mắc bệnh lao.

5. TRONG CƠ THỂ VI TRÙNG LAO HAY GÂY BỆNH Ở ĐÂU NHẤT ?

Ở phổi. 80% những người mắc bệnh là lao phổi, số còn lại có thể là lao hạch, lao xương khớp, lao màng não, lao màng phổi, lao bộ phận sinh dục – tiết niệu, lao ruột…
Trẻ em cũng bị bệnh lao như ở người lớn, nhưng thường nặng hơn.


6.  BIỂU HIỆN NGHI NGỜ CỦA MẮC BỆNH LAO PHỔI ?

-        Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần lễ
-        Có thể còn thấy
-       Sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi.
-       Gầy sút cân.
-       Khó thở, tức ngực, ho ra máu…

7.  KHI THẤY CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN NHƯ TRÊN CẦN LÀM GÌ ?

Hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất khám bệnh, xét nghiệm đờm để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao.

8.  BỆNH LAO CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG ?

Chắc chắn chữa được nếu phát hiện bệnh sớm và chữa đúng cách.

9. CHỮA BỆNH LAO THỂ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH ?

Hãy thực hiện đúng 4 nguyên tắc theo chỉ dẫn của thầy thuốc là:
·        Dùng phối hợp ít nhất 4 loại thuốc chống lao
·        Đúng liều lượng.
·        Đều đặn hàng ngày.
·        Đủ thời gian (8 tháng liên tục).
Có sự giám sát trực tiếp của cán bộ y tế.

10.NẾU CHỮA BỆNH LAO KHÔNG ĐÚNG CÁCH THÌ SAO ?

Nguy hiểm đến tính mạng và cộng đồng vì:
·        Vi trùng lao kháng thuốc không chữa được.
·        Lây vi trùng lao kháng thuốc cho người khác.
·        Cái chết đang chờ đón.

11.XÉT NGHIỆM LẠI ĐỜM SAU 2, 5 VÀ 8 THÁNG ĐIỀU TRỊ CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG ?

Rất quan trọng vì:
-       Để xem trong đờm đã hết vi trùng chưa, sau 8 tháng điều trị bệnh đã khỏi chưa.
-       Để thấy thuốc có cách điều trị tốt hơn.
Vậy xét nghiệm lại đờm trong quá trình điều trị là quyền lợi của bệnh nhân lao, đồng thời là trách nhiệm của thầy thuốc.

12.CÓ THỂ PHÁT HIỆN VÀ CHỮA BỆNH LAO Ở ĐÂU ?

Bạn có thể đến khám, phát hiện bệnh lao ở Trung tâm y tế huyện nơi bạn sống.
Hiện nay tất cả các Trung tâm y tế huyện trong cả nước đều có Tổ chống lao, bạn có thể yên tâm khám chữa bệnh lao ở đó. Nhiều nơi bệnh nhân lao được chuyển về chữa trị tại trạm y tế xã, y tế thôn bản, vừa dùng thuốc vừa học tập vừa lao động bình thường.

13.CÓ PHẢI TRẢ TIỀN KHÁM BỆNH, XÉT NGHIỆM ĐỜM PHAT HIỆN BỆNH LAO TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CHỐNG LAO KHÔNG ?

Không. Vì chương trình Chống Lao Quốc gia đã cung cấp đầy đủ các phương tiện: lam kính, cốc đờm, hóa chất, kính hiển vi, tiền bồi dưỡng cho cán bộ y tế thực hiện khám, xét nghiệm đờm tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh lao.

14.THUỐC CHỮA BỆNH LAO CÓ MẮC TIỀN KHÔNG ?

Không. Thuốc chống lao được nhà nước cấp miễn phí.

15.BỆNH NHÂN LAO CÓ CHẾ ĐỘ, ĂN UỐNG VÀ SINH HOẠT NHƯ THẾ NÀO THÌ TỐT ?

-       Cần ăn đủ chất: đạm, mỡ, đường, vitamin… không cần ăn kiên gì.
-       Sinh hoạt đều độ, uống đủ nước.
-       Bỏ thói quen có hại cho sức khỏe như: hút thuốc, uống rượu.
-       Lấy tay che miệng khi ho, khạc nhổ đờm vào ca, bô có nắp đậy rồi đốt đi.
-       Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân.

"Có sức khỏe là có tất cả

Không có sức khỏe là không có gì hết"

Ngạn ngữ pháp

 16. PHÒNG BỆNH LAO BẰNG CÁCH NÀO?

       Cách phòng bệnh lao:

         1. Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh để không lây nhiễm cho người lành.

         2. Tiêm phòng Vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.

         3. Không ngừng nâng cao mức sống, dinh dưỡng, giữ vệ sinh nhà ở và môi trường.

       Bạn nên nhớ:

       Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

 

 

 

 

BỆNH VIỆN PHỔI TỈNH HẬU GIANG
Địa chỉ: Đường 14, Khu vực 4, Phường 3, Tp. Vị Thanh, Hậu Giang
Email: bvlaobphg@gmail.com    bvlaophoihg@gmail.com
Điện thoại: 0293 3870 477